Bài viết của nhóm tác giả mô tả lại quá trình tiếp nhận, đánh giá trẻ nam 10 tuổi có vấn đề liên quan đến stress, khó khăn về hành vi, cảm xúc tại trường học và tại nhà. Nhóm tác giả đồng thời hỗ trợ tâm lý cũng ghi lại quá trình can thiệp toàn diện cho trường hợp bao gồm hỗ trợ trẻ; tư vấn gia đình; trao đổi với giáo viên tại trường học. Sau thời gian hỗ trợ thân chủ đã có những bước thay đổi và cải thiện các vấn đề về hành vi cảm xúc, nhận thức vấn đề tích cực hơn giúp việc học tại lớp cũng như bầu không khí tại gia đình gần gũi và thân thiện hơn.
THÔNG TIN CHUNG:
TVA (tên trẻ được viết tắt) là trẻ nam 10 tuổi sinh năm 2007, hiện là học sinh lớp 3, cháu học lớp 3 (năm thứ hai) do lưu ban lại một năm. Hiện cháu đang học tại trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội. Cháu được bố và bà nội đưa đến khám tại bệnh viện với lý do cháu hay cáu gắt, thường từ chối các yêu cầu từ phía giáo viên mặc dù có thể cháu biết câu trả lời. Không chơi, tránh tiếp xúc với các bạn, tự hành động theo ý thích của mình. Quy trình thiếp nhận tại khoa tâm lý lâm sàng, cháu được sắp xếp tới gặp bác sĩ chuyên khoa sau đó có những chỉ định từ bác sĩ tới phòng chức năng tâm lý để thực hiện các trắc nghiệm, các thang đo bảng hỏi nhằm hỗ trợ cho việc xác định vấn đề.
Theo thông tin từ bà và bố của cháu bé:
Bố: THH, 1984, thợ hàn. Trình độ văn hóa 9/12 tính cách hiền lành nhưng đôi khi cục tính. Mẹ: NTH, 1983, học 5/12, công việc đi chợ bán hàng. Tính cách của mẹ cục tính, ương bướng. Bố mẹ đã ly hôn cách đây hơn 1 năm trước đó sống ly thân 8 năm, mẹ sống ngoài Miền Bắc và hiện đã tái hôn, cách nhà cháu hiện tại mấy cây số. Mẹ thỉnh thoảng có lên nhà bà nội thăm con, hiện tại mẹ chưa có em bé. Bố sau khi mâu thuẫn với mẹ làm việc tại nhà cho tới khi cháu 3 tuổi thì vào làm việc trong Miền Nam chỉ thỉnh thoảng mới về ngoài Miền Bắc thăm gia đình và gặp con. Bố chưa tái hôn, cách đây hơn 1 năm đón con về và hiện làm công việc cơ khí (thợ hàn) tại xưởng cách nhà khoảng 7km, thời gian rảnh bố thường đi gặp bạn bè uống rượu hoặc đi bắn chim, câu cá. Cháu hiện đang ở cùng với bố; ông bà nội, cô em bố cùng con của cô (4 tuổi) ở tại nhà của ông bà nội. Ông nội năm nay 70 tuổi là người hay mắng, cằn nhằn và có khi đánh cháu. Bà nội 67 tuổi cũng thường hay nói, chê trách mẹ, và nhắc nhở cháu trách mắng cháu.
Các vấn đề hiện tại:
- Hiện nay cháu hay cáu gắt, dễ mất kiểm soát về hành vi và cảm xúc diễn ra cả ở lớp và ở nhà.
- Giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn khác phản ánh cháu học kém, không tuân thủ các yêu cầu, quy tắc trên lớp. Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu gia đình đưa cháu đi kiểm tra, khám tại bệnh viện.
- VA ở nhà chơi game trên điện thoại và xem các chương trình tivi nhiều, cháu hạn chế ra ngoài chơi cùng bạn bè trong xóm.
- VA thường từ chối các hoạt động khi người khác yêu cầu bằng cách nói " cháu không biết/cháu chịu" hoặc quay đi chỗ khác, né trách nhiệm vụ.
Các vấn đề của cháu bắt đầu xuất hiện từ năm cháu học lớp 2 (tức cách đây 2 năm), khi đó cháu bỏ bê bài vở và lực học kém, tiếp thu kém, không hòa đồng cùng các bạn, chơi môt mình, dù trước đó cháu học bình thường, có chơi cùng với bạn bè, và được đánh giá là ngoan, lễ phép.
Khi cháu bắt đầu học lớp 3 thì học kém hẳn và không chịu tuân theo các yêu cầu từ cô giáo nên phải nghỉ học và học lại một năm lớp 3. Khi cho cháu đi học lại lực học vẫn kém (nhất là toán và văn điểm làm bài chỉ 2-3 điểm); cháu thích học tin học môn đó được 8-9 điểm.
Lịch sử phát triển:
Giai đoạn sơ sinh tới mầm non (đến 3 tuổi)
Bố mẹ mang thai theo cách tự nhiên, khi mang thai sức khỏe và tâm lý bình thường tuy nhiên khi tháng thứ 6-7 mẹ cháu bị ngứa và dùng lá xông là khỏi không phải sử dụng thuốc tây. Cháu sinh thường, không ngạt, đủ tháng, cân nặng lúc sinh khoảng 3kg, cháu khóc ngay và không có biến chứng bất thường sau sinh. Những tháng đầu ăn ngủ tốt, có khoảng thời gian khi cháu được khoảng 8-10 tuần, cháu hay khóc đêm (khoảng 1- 2 giờ đêm) khóc khoảng 15 phút không dỗ được, không có can thiệp gì sau một thời gian thì bình thường.
Theo ông nội khi cháu được 7 tháng cháu bị sốt nằm viện, bố mẹ cháu có mâu thuẫn cãi nhau tại bệnh viện vì lý do kinh tế rồi dẫn đến ly thân (mẹ bỏ về nhà đẻ rồi ông ngoại cháu yêu cầu nhà nội phải sang xin lỗi). Cháu bú sữa mẹ tới tháng thứ 7 thì cai sữa, cháu ăn sữa ngoài do mẹ bỏ về bên ngoại. Các mốc phát triển gần như là bình thường, không có vấn đề gì đặc biệt (bố không rõ cụ thể các mốc về bò, lẫy, đi…).
Từ nhỏ cho tới 3 tuổi cháu sống cùng ông bà nội, chỗ ở xung quanh không được hòa đồng như các làng khác, cháu hay chơi một mình. Từ nhỏ cháu được nhận xét ngoan, nghe lời người lớn, bảo gì làm đấy. Thời gian đó cháu ở nhà với bà nội, bố đi làm sáng đến tối. Thỉnh thoảng, mẹ tới thăm con hoặc cho về nhà chơi một vài hôm vào cuối tuần (hai gia đình thông gia không đi lại với nhau). Từ sau 3 tuổi mẹ tới đón con về nuôi bên ngoại và chỉ thi thoảng cháu mới về bên nhà ông bà nội chơi.
Giai đoạn từ 3 tuổi tới tiểu học:
Sau khi mẹ đón con về bên nội bố cháu vào Sài Gòn làm việc thi thoảng có nói chuyện với mẹ qua điện thoại, có động viên nhau là quay trở lại nhưng ông ngoại không đồng ý, theo lời kể của bố. Theo bố VA, bố vợ và con rể hay mâu thuẫn, không muốn cho con gái ở cùng với anh nên luôn mắng chửi và không cho phép bố mẹ cháu quay lại với nhau. Bố cháu thấy ông ngoại có sổ khám về tâm thần nhưng không biết là bị bệnh gì chỉ thấy rất khó tính và gia trưởng. Cách đây hơn một năm thì bố mẹ cháu ly hôn để mẹ đi lấy chồng khác.
Khi đến tuổi đi học cháu chuyển trường 3 đợt. VA học lớp 1 tại trường tiểu học gần nhà. Năm học lớp 1 cháu lực học khá, các bạn thích chơi cùng, cô giáo không có nhận xét gì tiêu cực về cháu. Tuy nhiên, khi đó cháu hay bị các anh lớn tuổi hơn bắt nạt, có vài lần tự đi xe từ trên ngoại về nhà nội cháu kể do xung đột chị em họ.
Sau khi cháu học xong 1, mẹ đưa cháu lên ở cùng nhà Chùa rồi cho cháu học lớp 2, lớp 3 trường tiểu học ở khác huyện, cách nhà khoảng 40km. Việc mẹ chuyển trường cho cháu và cho cháu lên đó ở cùng với nhà Chùa hoàn toàn giấu gia đình bên nội. Theo bà nội giai đoạn này gia đình có sang hỏi tin về cháu, để xin cho cháu về nhà thì ông ngoại và mẹ cháu và ông ngoại đều trả lời cho qua và không cho biết cháu đang ở đâu mà chỉ nói là cháu đang ổn, gia đình không cần lo lắng. Trong khoảng thời gian đó gia đình bên nội gần như không biết về tin tức cháu thế nào.
Theo bố sau khoảng 2 năm thì mẹ gọi cho bố lên nhà Chùa đón con về nuôi và ly hôn để mẹ tái hôn. Sau khi cháu về nhà cháu ở cùng ông bà, bố, cô và con của cô. Lúc này hỏi cháu thời gian ở Chùa thì cháu ít nói về các chuyện ở đó, cháu chỉ chia sẻ sáng đi học chiều về ở Chùa, ở đó cháu ít có bạn chơi cùng và hay bị các bạn học ở trường đó bắt nạt. Bố kể cháu ở đó cả ngày đêm, ban ngày đi học ở trường ngoài Chùa cùng bạn, tối ở lại với các sư (cháu than với bố: bố tưởng con sướng lắm vì ban ngày phải đi học văn hóa, tối về sư bắt con tụng kinh).
Từ khi cháu về nhà cháu hay cáu gắt, đòi hỏi không được thì đá đồ, hét lên. Gia đình thương cháu vì thiệt thòi nên thường nhịn và đáp ứng cho cháu. Theo bố và bà khi cháu nhịn thì rất nhịn nhưng khi không nhịn được thì nóng tính (theo bà tính này giống với mẹ của cháu). Cháu ít khi đi chơi cùng các bạn chỉ đạp xe đi lòng vòng quanh làng hoặc chạy hùa cùng các bạn, chủ yếu ở nhà xem tivi và chơi điện thoại.
Kết quả các thang đánh giá tâm lý:
Ngoài việc hỏi chuyện, phỏng vấn tiểu sử quá trình phát triển của cháu thông qua ông bà/ bố của cháu, chúng tôi có thực hiện các thang đo, bảng hỏi về trí tuệ cũng như về hành vi; cảm xúc.
Kết quả cho thấy IQ ~ 95 ở mức trung bình (theo Raven màu và WISC IV).
Thang đánh giá các vấn đề hành vi cảm xúc ở trẻ SDQ-25 do bố thực hiện – cháu có Vấn đề về cảm xúc (bao gồm thường tỏ ra lo lắng/ hồi hộp sợ sệt trong các tình huống mới, dễ mất tự tin/ hay sợ hãi, dễ hoảng sợ); vấn đề về mối quan hệ bạn bè (hay lủi thủi một mình hoặc có xu hướng chơi một mình; hay bị những trẻ khác bắt nạt hoặc trêu chọc; có it bạn bè thân);
Thang Vanderbilt (thang đo về tăng động giảm chú ý) do bố thực hiện.
VA không có đủ tiêu chí về tăng động giảm chú ý tuy nhiên qua thang đo cháu có một số dấu hiệu hành vi xâm kích; lo âu, thiếu tự tin, đánh giá bản thân thấp (hằn học, trả thù người khác; lo hãi, lo lắng; dễ bối rối kém tự tin; sợ thử những điều mới hoặc lo sợ bị mắc lỗi; cảm thấy vô vọng hoặc thấp kém; cảm giác vô đơn vô tích sự, không được yêu quý, phàn nàn về việc không có ai yêu mình).
DBC-P – Bảng kiểm hành vi phát triển do bà nội thực hiện: cháu có biểu hiện lo âu, căng thẳng (sợ một số tình huống; bực bội khi có những thay đổi trong thói quen hoặc môi trường sống)
Khi được yêu cầu cháu vẽ tranh miêu tả về gia đình ở lần thăm khám đầu cháu từ chối vẽ và nói “cháu không biết”.
Tuy nhiên sau đó 2 tuần khi tham gia trị liệu cùng nhà trị liệu cháu chấp nhận vẽ. Trong bức vẽ cháu vẽ 3 thành viên là ông nội, bà nội và bản thân mình, các hình cách rời nhau, phản ánh thiếu sự tương tác, gần gũi, gắn kết. Trong bức vẽ cháu vẽ mình ở vị trí thấp nhất, cháu phản ánh trong nhà người cao nhất là ông nội của cháu, rồi đến bà nội. Hình vẽ vắng hình ảnh bố và mẹ trong bức tranh, khi được hỏi về bức vẽ cháu từ chối bình luận và miêu tả bức vẽ (tìm cách hướng cuộc nói chuyện sang chủ đề khác).
I. CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÝ CỦA THÂN CHỦ
A. Mối quan hệ xã hội
1. Hiện tại ở lớp cô giáo thường xuyên nhắc nhở bởi cháu không thực hiện các yêu cầu từ phía cô giáo.
2. VA hiện đang bị các bạn cô lập và thường trêu chọc ở lớp và ít được các bạn cho tham gia vào các hoạt động tại lớp như chơi trò chơi hay tham gia vào các hoạt động nhóm.
3. Ở nhà cháu không có mối quan hệ tốt với ông bà và cô, thường bị người lớn trong nhà nhắc nhở, và quát mắng, đôi khi là bị trách phạt bằng đòn roi.
4. VA và bố ít có sự thể hiện tình cảm, cháu thường chỉ muốn tới với bố khi muốn chơi điện tử trên điện thoại hoặc muốn mua cái gì cho mình.
5. Cháu thường xuyên từ chối thực hiện các nhiệm vụ hay những yêu cầu tham gia nhóm trong lớp.
B. Học tập
6. Hiện tại cháu đang đi học tiểu học năm thứ hai của lớp 3 trên lớp cháu không chép bài, không làm bài và không nghe theo cô nên các môn học kết quả rất kém (ngoài môn tin và môn thể dục là cháu thích).
7.Về nhà cháu không làm bài tập về nhà dù bố mẹ hay ông bà có yêu cầu cháu làm cháu cũng như không thực hiện.
C. Các vấn đề về hành vi/cảm xúc
8. VA có hành vi thu mình như tại gia đình cháu ít khi chơi cùng các bạn trong xóm, hay anh em trong họ hàng gia đình, cháu không có bạn thân hay có bạn để chia sẻ nói chuyện mà chỉ thỉnh thoảng đạp xe loang quanh ở xóm và đứng nhìn các bạn từ xa.
9. Cháu đánh giá bản thân thấp luôn có suy nghĩ mình là đồ bỏ đi, mọi người không yêu thương mình, mình là kém cỏi và thấp kém.
10. VA có suy nghĩ ghen tỵ với các bạn về việc mình không được người khác yêu thương, không nhận được những mối quan hệ hay những phần thưởng về vật chất và những quan tâm về tinh thần như các bạn.
11. VA khi căng thẳng cháu không kiểm soát được và có những hành vi như la hét, đập phá, gào khóc.
II. CHẨN ĐOÁN
Những sự kiện về chia ly, xa cách bố mẹ từ sớm, việc phải thay đổi nơi ở thường xuyên cùng hoàn cảnh gia đình, môi trường sống không thuận lợi làm ảnh hướng đến sự phát triển, cảm xúc hành vi và nhận thức của VA.
III. ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP
Những khó khăn trong quá trình phát triển, về cảm xúc, hành vi và nhận thức của VA ở thời điểm hiện tại có thể do những sự kiện trong cuộc sống mà cháu gặp phải, cũng là những nguyên nhân làm xuất hiện vấn đề và duy trì khó khăn của cháu.
Một số giả thuyết cho vấn đề của VA như:
Thứ nhất trong quá trình phát triển trẻ thiếu sự quan tâm thường xuyên của bố mẹ 7 tháng tuổi đã có sự chia cách mẹ, phải cai sữa sớm, cháu ở cùng bố và ông bà nội, bà nội là người chăm sóc chính, nên việc phát triển về tâm lý không hoàn thiện.
Thứ hai cháu đã trải qua những sự kiện tâm lý có thể gây stress, căng thẳng trong cuộc sống như việc bố mẹ chia cách, rồi bố mẹ ly hôn; sự kiện mẹ gọi bố lên Chùa đón cháu về nhà ở với bố để mẹ tái hôn. Tiếp đến, cháu phải rời xa môi trường an toàn bên cạnh người thân để chuyển đến nơi ở mới để sinh sống và học tập (nhà Chùa), các sự kiện này cháu đều không thể chuẩn bị hay được biết trước mà đều đến bất ngờ.
Thứ ba, cháu thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt, chê trách, tẩy chay không cho tham gia các hoạt động từ khi ở trường học gần Chùa, cho tới về trường học hiện tại.
Thứ tư, những ép buộc trong việc phải thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động không yêu thích như thực hiện những nhiệm vụ ở Chùa của sư thầy (đọc kinh, thức dậy sớm quét dọn); nhiệm vụ học tập trên lớp; ở nhà ông bà yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ.
Thứ năm, cháu thường bị người khác đánh giá bởi những nhiệm vụ tiêu cực mà hiếm khi được củng cố hay khích lệ tinh thần trong các trường hợp cháu làm đúng hay thực hiện tốt.
Những giả thuyết liên quan tới rối loạn sự thích ứng của cháu. VA liên tục phải thay đổi địa điểm sống (nhà nội (từ sơ sinh tới 3 tuổi) – nhà ngoại (từ sau 3 tuổi đến 7 gần 7 tuổi) – nhà Chùa (từ 7 tuổi tới gần 9 tuổi) – Trường tiểu học hiện tại – trường học gần nhà Chùa – Trường tiểu học hiện tại - học cùng bạn học nơi mới – nơi cũ – lớp học lại), việc thay đổi quá nhiều và liên tục khiến khả năng thích nghi với môi trường mới, cảm giác được an toàn thấp có thể khiến trẻ luôn trong trạng thái lo lắng, sợ hãi phải thích nghi với những môi trường mới khó dự đoán. Cùng với đó VA thiếu hình mẫu tích cực và niềm tin vào cuộc sống từ những người xung quanh, những suy nghĩ về cuộc sống thất bại tiêu cực, bố mẹ ly hôn, mẹ tái hôn, bố thì bất ổn và không có tiếng nói trong gia đình. Ngoài ra, cháu rất ít khi được thực trải trải nghiệm những hoạt động bởi những lựa chọn tự phía mình, có chính kiến, quan điểm riêng trong cuộc sống mà đa số làm theo những chỉ dẫn, chỉ định từ người lớn. Trong quá trình phát triển VA ít nhận được những khuyến khích, động viên tích cực.
Những hành vi cảm xúc của VA còn có thể do thiếu những kỹ năng nhận diện, hiểu và kiểm soát cảm xúc của bản thân mình; những kỹ năng ứng xử với bản thân trong các tình huống tiêu cực; những kỹ năng kết bạn và duy trì tình bạn thấp và non nớt. Ngoài ra, có thể là những đặc điểm tính cách có xu hướng gây hấn, khó kiểm soát bởi đặc điểm tính cách của bố và mẹ đều có xu hướng dễ bùng nổ, khó kiểm soát cảm xúc bản thân.
IV. MỤC TIÊU ĐẦU RA
Những vấn đề về tâm lý của VA có thể được cải thiện nếu chúng ta có sự trợ giúp về tâm lý – giáo dục phù hợp trong những môi trường, những bối cảnh mà cháu đang gặp phải những khó khăn đó.
1. Nâng đỡ, chấp nhận những cảm xúc của VA
2. Chấp nhận những đề xuất và yêu cầu từ phía trẻ nhằm tăng niềm tin của bản thân vào người khác
3. Tư vấn gia đình.
4.Giảm áp lực từ phía giáo viên tới VA.
5. Củng cố kiến thức phù hợp với kiến thức hổng của VA tại trường.
6. Huấn luyện một số kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp.
7. Nhận thức hành vi.
V. MỤC TIÊU QUÁ TRÌNH
1. Nâng đỡ, chấp nhận cảm xúc của VA.
Hỗ trợ trị liệu tâm lý cho cháu với tần suất 3 buổi/tuần và mỗi buổi 60 phút trong đó bao gồm các hoạt động chơi/hoạt động hoạt động về nhận thức vấn đề/xây dựng mối quan hệ hai chiều với cháu. Trong quá trình chơi chấp nhận những cảm xúc của VA kể cả những cảm xúc khó chịu của trẻ, đôi khi là cả sự từ chối tham gia hoạt động của trẻ nhằm tái cấu trúc lại hình ảnh bản thân mình được người khác tôn trọng và chấp nhận.
2. Chấp nhận những đề xuất và yêu cầu từ phía trẻ nhằm tăng niềm tin của bản thân vào người khác.
Trong mỗi buổi trị liệu, ngay từ đầu nhà trị liệu cùng VA xây dựng lịch trình của buổi trị liệu và cho trẻ được đề xuất hoạt động nào được thực hiện trước, hoạt động nào được thực hiện sau (trong đó các hoạt động trẻ có thể xây dựng cùng nhà tâm lý). Trong mỗi buổi trị liệu có khoảng 4-5 hoạt động được triển khai bao gồm (chơi tự do trong đó trẻ được lựa chọn đồ chơi mà trẻ muốn; hoạt động chơi trò chơi theo luật trong trò chơi này trẻ được đề xuất luật chơi; hoạt động kỹ năng xã hội trong hoạt động này nhà trị liệu đưa ra kỹ năng còn trẻ có được đề xuất hình thức học có thể bằng giấy hoặc học cùng laptop; hoạt động ứng dụng kỹ năng trong các tình huống ở đây nhà trị liệu sẽ đưa ra các tình huống có thể áp dụng kỹ năng này, VA đưa ra các câu trả lời của bản thân áp dụng; trong các hoạt động trẻ được tích điểm bằng ngôi sao khi có đáp án hoặc trả lời đúng; phần cuối là nhận phần thưởng, được xây dựng dựa trên những thứ mà trẻ muốn có thể bằng laptop hoặc bằng điện thoại…)
3. Tư vấn gia đình
Trao đổi cùng ông bà và bố của cháu về tình trạng vấn đề của VA, những khó khăn hiện tại cháu đang gặp phải, hướng dẫn phụ huynh cách ứng xử phù hợp khi ở nhà trong các tình huống với con phù hợp. Trao đổi với phụ huynh những điều tích cực cháu có thể nhận được nếu ta có những hỗ trợ phù hợp cho cháu. Mỗi buổi sẽ gặp 15 phút vào cuối buổi trị liệu để trao đổi cùng phụ huynh về những vấn đề của cháu, những biến chuyển hiện tại của cháu, cùng với việc lắng nghe những trao đổi từ phía phụ huynh.
4. Giảm áp lực từ phía giáo viên tới VA
Gửi thư ngỏ tới giáo viên chủ nhiệm tại trường trong đó nói về tình trạng của VA, những khó khăn mà cháu đang có cũng như những phản ứng hiện tại cháu đang sử dụng trước những tình huống ở lớp và những hệ quả có thể cháu sẽ nhận được khi ở lớp. Đánh giá cao những nỗ lực và những hỗ trợ hiện tại cô đã và đang hỗ trợ trẻ tại lớp. Gợi ý một số hướng dẫn cho giáo viên có thể thực hiện trên lớp (cho trẻ tham gia một vài hoạt động trên lớp với khả năng của mình như xóa bảng; phát sách vở; hô hiệu lệnh ở lớp …) đồng thời khen ngợi trẻ trước lớp khi trẻ thực hiện được các nhiệm vụ. Bên cạnh đó những kì vọng phù hợp với khả năng hiện tại của cháu ở trên lớp sẽ giúp giáo viên giảm bớt áp lực cho VA cũng như cho bản thân mình. Gợi ý cô và trẻ cùng nhau xây dựng hệ thống phần thưởng quy đổi giữa hành vi cháu thực hiện và những điều cháu sẽ đạt được khi có những hành vi tích cực đó. Trong thư có nói tới những hỗ trợ mà gia đình đang theo để thay đổi tình trạng hiện tại của cháu để giáo viên có thể nhận thấy tính tích cực tham gia từ phía gia đình. Nhà trị liệu đề xuất giáo viên hình thức trao đồi bằng gặp mặt; email; điện thoại trong một số tình huống cần thiết.
5. Củng cố kiến thức phù hợp với kiến thức hổng của VA tại trường.
Trong thư ngỏ cũng như trong tư vấn cùng gia đình, gia đình và giáo viên chủ nhiệm thống nhất việc cháu có thêm sự hỗ trợ về kiến thức hiện tại cho cháu với việc tới nhà cô học thêm vào cuối tuần. Trong thời gian đó giáo viên cần đánh giá lại khả năng kiến thức hiện tại của VA và có những hỗ trợ, củng cố phù hơp để cháu có thể theo kịp các bạn trên lớp hiện tại.
6. Huấn luyện một số kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp
Trong thời gian hỗ trợ VA nhà trị liệu lồng ghép các nội dung về kỹ năng giao tiếp xã hội như các bước để làm quen với bạn, nhận biết cảm xúc; quản lý cảm xúc, kỹ thuật thư giãn, để trẻ có thêm những kỹ năng cho bản thân, những cách để mình có thể nhận biết được cảm xúc của bản thân mình, những hệ quả của bản thân với hành vi mình thể hiện ra. Khi những cảm xúc tiêu cực đến với mình mình cần có những cách ứng phó như thế nào cho phù hợp với tình huống đó, tránh vướng vào những rắc rối cho bản thân.
7. Nhận thức hành vi.
Đưa ra các hành vi và cùng diễn giải các hành vi theo hướng tích cực để trẻ đưa ra hiểu về hành vi đó. Cùng nhìn nhận hành vi dưới các góc độ khác nhau để bản thân VA có cái nhìn đa dạng về một hành vi, một sự kiện, đồng thời đưa ra các cách ứng xử phù hợp trong các tình huống đó, các hệ quả tích cực hay tiêu cực khi ta thực hiện các hành vi đó. Hướng tới việc xây dựng các góc nhìn của bản thân trẻ trước một tình huống thay vì ta chỉ có góc nhìn tiêu cực hướng tới những hành vi né tránh, từ chối chúng ta có thêm những lựa chọn khác mang lại những hệ quả tích cực hơn. Thông qua nhận thức hành vi giúp trẻ hiểu được ảnh hưởng của suy nghĩ, hành vi lên cảm xúc.
VI. Tiến trình trị liệu và kết quả bàn luận:
Giai đoạn đầu tham gia trị liệu về tâm lý trẻ thường né tránh trả lời các câu hỏi và có xu hướng cúi mặt xuống khi trả lời, cháu hạn chế nhìn vào mắt người đối diện. Khi trả lời câu hỏi cháu trả lời “cháu không biết” hoặc nói lảng tránh sang lĩnh vực khác chủ yếu về trò chơi điện tử mà cháu chơi trên điện thoại của bố, hay cháu đã xem phim gì. Cháu thường than phiền về những người xung quanh bởi những trách móc như ông bà, cô, bố.
VA đánh giá bản thân mình thấp, gia đình mình khổ không được giàu có như nhà các bạn. Không được nhận những phần thưởng vật chất hay đi chơi, thăm thú các nơi như các bạn.
VA có những điểm mạnh như khả năng diễn đạt, khả năng tư duy logic, vốn từ vựng tốt, bản thân có mong muốn sẽ tiến bộ hơn.
Sau thời gian tham gia trị liệu bản thân cháu nhận thức được cảm xúc và hành vi của mình tại thời điểm là không được người khác mong muốn, nó ảnh hưởng tới mối quan hệ với cô giáo, các bạn ở trường và người thân trong gia đình. Cháu mong muốn được học thêm các kỹ năng từ nhà tâm lý để giúp mình có thể cải thiện hơn trong mối quan hệ với bạn bè (cháu ước là cháu được các bạn chơi cùng, và cháu được làm lớp trưởng). Cháu mong ông bà bớt lo lắng về vấn đề của mình. Bản thân trẻ đã có những ước mơ, mong muốn và dự định về tương lai của mình như làm kỹ sư về điện thoại, lấy vợ trong tương lai.
Nhận thức được về vấn đề hoàn cảnh của gia đình cháu nói “mỗi nhà có mỗi hoàn cảnh riêng, và đôi khi cháu phải chấp nhận những điều đó thôi”. VA nhận thức được bố yêu thương cháu tuy nhiên bố không có tiếng nói trong nhà và thường phải nghe lời ông, cháu cũng có những mong muốn được nhận tình cảm từ bố “cháu mong cuối tuần bố cho cháu đi chơi, đi đến cả nhà bạn của bố nữa”.
Giáo viên hiện tại đã giảm bớt áp lực hơn cho cháu, cho cháu tham gia là lớp phó lao động và có thêm phần thưởng tích điểm khi cháu làm những việc ở trên lớp giúp cô như thì sẽ nhận được ngôi sao, sau đó sẽ được quy đổi từ các ngôi sao sang các phần thưởng cháu muốn (bút chì, tẩy, sticker, sử dụng điện thoại của cô vào buổi trưa cuối tuần; được hỗ trợ thầy dậy tin học; của thầy thể dục…)
Ông bà và bố tích cực đưa cháu đến tham gia trị liệu, sau mỗi buổi luôn dành thời gian để hỏi han tình hình của VA và lắng nghe những trao đổi từ phía nhà trị liệu. Ông nội của cháu trao đổi với nhà trị liệu “tôi thấy đỡ phải nóng giận hơn vì nó nghe lời hơn chú ạ”.
Bố dành thời gian buổi tối hướng dẫn con học bài và có những phần thưởng quy đổi khi cháu thực hiện những hành vi tích cực tại nhà, bố nhận xét “trước đây em cứ nghĩ cháu thiệt thòi và cháu láo với ông bà nên càng làm cháu trầm trọng hơn – giờ cháu như thế này em mừng lắm”.
Kết luận:
Trên đây là mô tả trường hợp tiếp nhận, đánh giá tâm lý và xây dựng kế hoạch hỗ trợ toàn diện cho trẻ có phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng. Việc phát hiện và hỗ trợ kịp thời giúp trẻ giảm bớt những hành vi, cảm xúc chống đối, né tránh với môi trường xung quanh, giúp trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như những những hoạt động chức năng của mình.
Tài liệu tham khảo
1. ICD 10 – Bảng phân loại quốc tế bệnh tật lần thứ 10, NXB Yhọc
2. Nguyễn Thị Biển, Luận văn thạc sĩ tâm lý “Phản ứng với stress của bệnh nhân ung thu máu”, đại học khoa học và xã hội nhân văn Hà Nội, năm 2012.
3. Nguyễn Hữu Chiến, “bài giảng về Stress dành cho lớp định hướng tâm thần” năm2015.
Tác giả: TS.BS Nguyễn Hữu Chiến.
Ths Vũ Văn Thuấn
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.