Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh chuyên điều trị cho những người có số phận bất hạnh, những người bệnh không bình thường. Tại đây có những nỗi thương cảm nhưng cũng có những cảm giác sợ hãi. Thế nhưng, nơi đây có những “chiến sỹ áo trắng” đang ngày đêm âm thầm lặng lẽ chăm sóc cho những bệnh nhân đặc biệt này.
“Chúng tôi không những chữa về bệnh lý mà còn chữa về tâm lý. Bởi bệnh nhân của chúng tôi có lúc rất hiền, nhưng cũng có những lúc hò hét, đập phá, chống đối, không hợp tác.Vì thế, để bệnh nhân hợp tác điều trị, có lúc chúng tôi phải dỗ dành, động viên, nhưng có lúc phải nghiêm khắc, dọa, nạt”, bác sỹ Trần Hậu Anh, Trưởng khoa Cấp tính nữ chia sẻ.
Bệnh viện làm sân bóng chuyền để người bệnh và người nhà bệnh nhân rèn luyện sức khỏe
Hộ lý Trần Thị Ánh Nguyệt, khoa Cấp tính nam bộc bạch: “Trước khi vào đây, em làm tại Bệnh viện đa khoa Thạch Hà, quen với việc chăm sóc cho những người “tỉnh”. Do đó, khi mới vào đây, em có cảm giác sợ hãi, lo lắng, mỗi khi có bệnh nhân kích động, đập phá, tối về ngủ vẫn còn giật mình. Nhưng làm một thời gian rồi quen và thấy thương cho những con người bất hạnh này”.
"Có nhiều lúc bị bệnh nhân tấn công, chửi bới... nhưng xác định làm trong môi trường đặc biệt này phải xem bệnh nhân là người nhà để cảm thông, yêu thương, chia sẻ", điều dưỡng Trần Khắc Tới, khoa cấp tính nam trải lòng.
Hơn 60% người dân chưa coi trọng sức khỏe tâm thần
Thực tế hiện nay, đa số bệnh nhân đến bệnh viện Tâm thần trong tình trạng bệnh nặng. Một trong những nguyên nhân là do người bệnh và người nhà bệnh nhân còn mặc cảm, dấu bệnh, đến khi bệnh nặng, tiến triển mạn tính mới tìm đến Bệnh viện Tâm thần.
Lãnh đạo và nhân viên bệnh viện thăm hỏi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện
Bác sỹ Trần Hậu Anh, Trưởng khoa Cấp tính nữ cho biết: Sau khi trải qua những stress do áp lực cuộc sống, những sang chấn trong tình cảm, công việc, học hành hoặc bị tổn thương não do tai nạn... người bệnh có thể xuất hiện những bất thường trong suy nghĩ, cảm xúc, hành vi. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ trở về cuộc sống bình thường, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời là để ngăn chặn tiến triển xấu này. Vì thế, khi có một trong các biểu hiện như: trầm cảm, buồn chán, bi quan, lo âu, mất ngủ kéo dài; lạm dụng rượu, ma túy; đau dai dẳng các loại không rõ nguyên nhân; trẻ em tự kỷ, rối loạn tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển tâm thần. Với người già thường có các biểu hiện như sa sút trí tuệ, lú lẫn... thì cần đến Bệnh viện Tâm thần để được khám và điều trị kịp thời.
và lắp hệ thống ti vi, mái tôn phục vụ bệnh nhân
Nỗ lực vì sức khỏe bệnh nhân tâm thần
Bệnh viện Tâm Thần Hà Tĩnh là bệnh viện hạng III, có quy mô 50 giường bệnh, 58 cán bộ, trong đó có 12 bác sỹ. Thời gian gần đây, bệnh viện đã có nhiều đổi mới, nâng cao chật lượng khám và điều trị, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Được sự hỗ trợ của Sở Y tế, Bệnh viện đã lắp hệ thống camera an ninh, ti vi phục vụ bệnh nhân; sửa chữa nâng cấp một số khoa, phòng; làm mái che, hệ thống phun sương tự động chống nóng cho người bệnh, cải tạo sân bóng, sân cầu lông cho bệnh nhân… Bên cạnh đó, bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ 20 ghế đá, hàng chục cây xanh, trị giá gần 100 triệu. Tạo môi trường cảnh quan bệnh viện xanh, sạch, đẹp, an toàn. Cải cách thủ tục hành chính, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ y tế. Xã hội hóa bếp ăn. Mời các chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Tâm Thần Trung ương I và Viện sức khỏe Tâm Thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai về khám, tư vấn sức khỏe tâm thần cho nhân dân trong tỉnh và hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện.
Khuôn viên bệnh viện xanh, sạch, đẹp
Niềm vui và sự hài lòng của người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế được tăng lên rõ rệt. Số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng gia tăng.Trung bình mỗi ngày có 70 đến 80 bệnh nhân điều trị nội trú; có những ngày cao điểm bệnh nhân tăng lên trên 100 người điều trị nội trú. Nếu quý I/2020 bệnh viện có 960 lượt bệnh nhân KCB, trong đó điều trị nội nội trú 256 bệnh nhân. Thì đến quý III/2020 số bệnh nhân KCB tăng lên 1.821 lượt người, trong đó điều trị nội nội trú 352 bệnh nhân.
Bệnh nhân được cán bộ tư vấn, hướng dẫn tận tình
Bác sỹ Nguyễn Đình Thiện, Giám đốc Bệnh viện trăn trở: “Bệnh nhân tâm thần là đối tượng bệnh mãn tính, hoàn cảnh khó khăn, cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay Bệnh viện chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện. Số bệnh nhân điều trị nội trú ngày càng gia tăng, trong khi đó quy mô giường bệnh thấp. Cơ chế hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần hạn chế. Do vậy, cần được sự giúp đỡ của cấp trên để Bệnh viện triển khai mô hình chăm sóc toàn diện bệnh nhân tâm thần. Tạo điều kiện để nâng quy mô lên 100 giường bệnh. Cơ chế hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần ngoài bệnh nhân nghèo đã được UBND tỉnh hỗ trợ, thì các đối tượng còn lại cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, các đối tượng này chiếm đến 85% bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện, họ cần được xã hội, cộng đồng chia sẻ”.
Nguồn: http://soyte.hatinh.gov.vn/tin-tuc-su-kien/thong-tin-y-te/noi-cham-soc-nhung-benh-nhan-dac-biet-.html
Mạnh Tiến
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.