Ngay cả trong tình bạn, giữa những người bạn cũng có chỗ cho sự đố kỵ, ghen tỵ. Người nào càng thành công và may mắn, càng dễ cô đơn trong cuộc đời.
Cuốn sách Cái tôi được yêu thương của Nhà tâm thần học M.D. Wilhelm Stekel giúp người đọc hiểu rõ muôn mặt của một tâm hồn vị kỷ khổ đau, từ đó vượt qua cái tôi vị kỷ để có một cái nhìn thực tế với cuộc đời và tìm thấy mục tiêu trong cuộc sống.
Được sự đồng ý của Công ty sách Bách Việt, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Chỉ khi ta hiểu được rằng những điều tốt xấu đều nằm trong chính lồng ngực mỗi con người, thì ta mới có thể nhận ra lỗi lầm của người khác trong chính chúng ta.
Khi ấy chúng ta có thể thấu biết mọi sự. Chúng ta cũng có thể có một cái nhìn sâu hơn vào bên trong sự đố kị của tâm lý cá nhân tủn mủn.
Bản chất con người là ích kỉ
Sự đố kỵ đầu tiên khởi phát khi nhìn tài sản của người khác. Bất chấp sự thật rằng, đó là thứ thuộc quyền sở hữu của người khác thì nó vẫn khiến con người ganh tỵ. Chúng ta thấy điều này lặp đi lặp lại trước mắt mình mỗi ngày
Giờ bạn hãy thử chia một quả táo thành hai nửa. Nửa của người khác lúc nào trông cũng có vẻ to hơn, ngon hơn nửa của chúng ta, dù sự thực hai phần bằng nhau và như nhau.
Tôi từng có một chiếc áo khoác cũ mà tôi không mặc được nữa, tôi đem cho một người đồng nghiệp nghèo khổ. Với anh ấy thì đó là chiếc áo tốt nhất.
Lần đầu tiên khi tôi trông thấy anh ta mặc chiếc áo “mới” này trước mặt mình, tôi đã rất ngạc nhiên trước vẻ lộng lẫy của nó. Rồi tôi tự trách không hiểu tại sao mình lại đem cho nó. Chính việc người khác sở hữu nó đã tác động đến suy nghĩ của tôi.
Bằng tâm lý so sánh, chúng ta luôn thấy đồ của người khác đẹp hơn đồ của mình.
Bao nhiêu lần tôi khuyên giải cậu trai trẻ đang yêu nọ. Cậu ta nói về sự cay đắng tuyệt vọng đến mức muốn chết đi chỉ vì không có được tình yêu. Tôi bảo cậu ta rằng, những hình ảnh lý tưởng về người thương vẫn chiếm giữ tâm trí cậu ta, thời gian cũng không thể phá hủy hình ảnh đó. Nỗi nhớ tạo tác và tô điểm thêm vẻ quyến rũ cho nó.
Nhưng khi sự hào nhoáng của đam mê dần phai nhạt, khi chúng ta chiếm hữu được đối tượng, những khiếm khuyết sẽ dần lộ diện. Lý tưởng của họ rút cuộc chỉ là một lỗi lầm họ nhìn thấy đều làm rạn vỡ một chút ảo tưởng của họ.
Cuối cùng chỉ còn lại một vài mảnh vỡ khốn khổ, một vài mảnh vụn của sự tự hào mà họ từng trang hoàng cho nữ thần của họ.
Hai mặt của đố kỵ: Sự ganh tỵ và lòng thương hại
Sự đố kỵ chỉ trở nên im lặng trước sự bất hạnh, và rồi nó biến thành lòng thương hại. “Ôi, sao lại có người đáng thương đến thế!”
Lòng thương hại không phải là thật, nó chỉ là một sự vui thú ngầm ẩn trước đau khổ của người khác mà thôi. Nó là mặt sau của sự đố kị, một niềm vui bí mật dành cho những kẻ yếu kém hơn mình.
Tiếng nói nội tâm của họ chính là: “Như thế giờ ta chẳng cần phải ganh tỵ với tên hàng xóm bên cạnh nữa”.
Vâng, lời nói của chúng ta dù trái lòng mình lại tiết lộ những bí mật đằng sau nó. Người ta thường cất lời trước những bất hạnh là: “Tôi không ganh tỵ với những người nghèo khổ”.
Điều đó cũng ngụ ý rằng: “Tôi chỉ ganh tỵ với những kẻ hơn mình”.
Chúng ta nên thấy một sự thật rằng: Người luôn sẵn sàng cảm thông với sự bất hạnh của bạn chắc chắn thà khóc với bạn cả trăm lần còn hơn một lần chia sẻ niềm vui cùng bạn.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng để sự đố kỵ ấy nhằm vào. Cuối cùng, chúng ta dù giàu có hay nghèo khó, dù tài giỏi hay kém cỏi, đều bất hạnh như nhau.
Kẻ bất hạnh chính là kẻ đố kỵ. Đó là thuốc độc giết chết chính tâm hồn họ, thay vì làm kẻ khác bất hạnh như họ thầm mong.
Sự đố kỵ là hiện tượng tâm lý xã hội
Hãy thử nghĩ xem, tại sao chúng ta lại mong đợi được hàm ơn và công nhận đến vậy? Có phải tất thảy con người đều được sinh ra với một cái tôi đầy ích kỉ?
Chúng ta hãy nhìn lại tuổi thơ và tuổi trẻ của mình, nhớ về những lời chúng ta được nghe: “Hãy nhìn đi, thằng bé mới ngoan làm sao. Cha mẹ nó chắc hẳn sẽ vui lắm!”
Chúng ta luôn được giáo dục bằng ví dụ từ một người khác. Cái nhìn của chúng ta luôn bị hướng ra ngoài. Điều đó dẫn đến việc phán xét quá mức về một người khác.
Nguồn: https://baomoi.com/su-do-ky-la-thuoc-doc-cua-tam-hon/c/37287360.epi
Mạnh Tiến
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.