Tôi chập chững bước vào Nghề Điều dưỡng tháng 10/1990 – Thời điểm Hội Điều dưỡng Việt Nam được thành lập. Gia đình, họ hàng của tôi không có ai làm nghề y/nghề điều dưỡng, thời học sinh phổ thông trong tiềm thức của tôi chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ làm nghề y/nghề điều dưỡng vì tôi vốn có một chút năng khiếu về các môn xã hội nên ước mơ của tôi là giáo viên văn học. Nhưng sự ngẫu nhiên đã đưa tôi đến với Nghề Điều dưỡng và đã gắn bó với nghề hơn 30 năm qua như sự sắp đặt của số phận. Với mỗi con người, ba mươi năm đủ để suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống và nghề nghiệp. Đối với tôi ba mươi năm ấy, với sự cố gắng của bản thân cùng với sự quan tâm của lãnh đạo, đồng nghiệp, học sinh sinh viên,, đặc biệt là bệnh nhân đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho tôi vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được.
Tôi cũng không hiểu có một phép màu nào mà với một điều dưỡng viên mới ra trường, lại công tác ở một phòng khám đa khoa khu vực cách Trung tâm Y tế huyện hơn 25km, phương tiên liên lạc chủ yếu qua thư/điện của hệ thống bưu điện lạc hậu thời đó nhưng Ban Giám đốc TTYT Kỳ Anh đã phát hiện ra tôi, để một ngày vào tháng 6/1992 cử tôi cùng đoàn đại biểu của Trung tâm đi dự Đại hội thành lập Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh, đồng thời đề cử tôi vào Ban chấp hành tỉnh hội, đến năm 1994 lại cử tôi đi dự thi lớp cử nhân điều dưỡng khóa II của trường Đại học Y Hà Nội, và tôi may mắn trở thành người đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh có học vị cử nhân điều dưỡng để rồi từ đó có những bước trưởng thành, cống hiến, góp phần cùng ngành Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người dân. Tôi nghĩ rằng đó là một cơ duyên.
Ngày ấy, sau khi tôi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh, tôi hăm hở bước vào công việc của một Điều dưỡng viên. Tuy nhiên thực tế nghề nghiệp không như những bài giảng, không như những viễn cảnh mà chúng tôi được động viên khi ngồi trên giảng đường. Giai đoạn đó, công việc của người điều dưỡng không khác gì là “một cái máy” tiêm truyền, thay băng, theo dõi bệnh nhân theo y lệnh của y sĩ/bác sĩ. Ngày lại ngày, tôi và các đồng nghiệp lầm lũi với công việc, lầm lũi với miếng cơm manh áo đời thường. Bao đêm không ngủ với những trăn trở suy tư nghề nghiệp, tôi đã nghĩ chẳng lẽ mình chỉ là một cái máy tiêm, chẳng lẽ mình đã đi vào ngõ cụt, những lúc ấy, chỉ biết dặn lòng cố gắng thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ để hoàn thành nhiệm vụ của một “chiến sĩ đánh giặc ốm vì sự khang kiện của giống nòi”, để vượt qua khó khăn, nghiệt ngã của cuộc sống và chính nghề nghiệp của mình.
Trong những ngày tháng “khủng hoảng” về công việc của người điều dưỡng tôi may mắn được các thầy cô ở Hội Điều dưỡng Việt Nam tiếp thêm luồng sinh khí mới từ những cuộc hội thảo, tập huấn đã cho tôi mở rộng tầm nhìn, biết được lịch sử của Nghề điều dưỡng, biết được cuộc đời và những hy sinh cống hiến của bà Florence Nightingale – Người mẹ tinh thần của nghề điều dưỡng. Tôi nhận ra rằng: những khó khăn vất vả của bản thân mình làm sao sánh được những gian lao mà các thế hệ đi trước đã trải qua; để hôm nay TÔI và nhiều ĐỒNG NGHIỆP được phát huy vai trò, vị trí, trình độ của mình thì biết bao công sức, cả mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ điều dưỡng đi trước đã đổ ra.
Mới ngày nào đó bản thân tôi mới chập chững vào nghề điều dưỡng mà giờ đây đã hơn ba mươi năm trong nghề; đã trải qua bao công việc từ một điều dưỡng viên, một giáo viên điều dưỡng đến người quản lý công tác điều dưỡng. Tôi nghiệm ra rằng “Chính người bệnh là thước đo lòng nhân ái, đức tính kiên trì của người Điều dưỡng” và “chỉ có sự tận tụy, tình yêu thương người bệnh, yêu thương đồng nghiệp mới giúp ta gắn bó được với nghề điều dưỡng”. Với tôi, có thể nói rằng chính người bênh đã “neo” tôi lại với nghề Điều dưỡng cho đến tận hôm nay, để tôi luôn cố gắng phấn đấu, say mê nhiệt huyết với nghề nghiệp, vì chất lượng chăm sóc người bệnh, vì sự tiến bộ của người điều dưỡng. Dù đứng trên bục giảng hay ở bên giường bệnh, tôi vẫn luôn tự hào về nghề nghiệp của mình.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 năm nay trong không gian hối hả căng mình của cả đất nước phòng chống đại dịch COVD-19 trước làn sóng lần thứ tư, có biết bao đồng nghiệp của tôi đang là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch hay đang trong phòng xét nghiệm SARS-CoV-2, trong cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân dương tính nặng, càng làm cho mình thấy xúc động, tự hào về công việc mà mình đã chọn. Chúc các đồng nghiệp Điều dưỡng giữ vững chí khí kiên cường, dũng cảm trong mặt trận chống dịch để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần vào quá trình đẩy lùi dịch bệnh của toàn dân tộc.
Tôi luôn tin tưởng rằng đất nước, nhân dân sẽ không bao giờ quên hình ảnh những chiến sĩ áo trắng luôn hi sinh thầm lặng vì sự mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân. Niềm tin đó là có cơ sở khi trí tuệ và tâm sức của đội ngũ Điều dưỡng kết thành một khối cùng các lực lượng trong ngành Y tế. Cũng như dòng lưu chuyển tuần hoàn, sự vần xoay vũ trụ, lòng nhân ái của mỗi người Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên sẽ hòa quyện với nhau vì một ngày mai, vì con người, vì tương lai nghề Điều dưỡng mà phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ để trọn vẹn với nghề Điều dưỡng.
Kể sao hết những công lao, những nghĩa tình sâu nặng; thật vinh dự và tự hào và biết ơn những thầy cô, anh chị động nghiệp đã dìu dắt, tiếp thêm sức mạnh để tôi luôn phấn đấu không ngừng vì sự tiến bộ của người Điều dưỡng, để tôi tiếp tục hành trình truyền ngọn lửa tình yêu nghề nghiệp của mình vào thế hệ Điều dưỡng tương lai
Rồi từng ngày ta thấy yêu hơn
Bởi điều dưỡng đời không thể thiếu
Chưa ai hiểu người đời sẽ hiểu
Càng yêu nghề tha thiết ĐIỀU DƯỠNG ơi!./.
Ths. Nguyễn Việt Thắng
Chủ tịch Hội Điều Dưỡng tỉnh Hà Tĩnh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.