Giảm khả năng học tập, làm việc: Đặc điểm thường thấy ở người nghiện game là bỏ bê toàn bộ những khía cạnh khác của cuộc sống bao gồm việc học và nghề nghiệp. Họ chỉ chú tâm đến các nhân vật “ảo”, vật phẩm và các thành tích đạt được do vậy hầu như không còn hứng thú hay bất cứ sự quan tâm nào đối với những thứ xung quanh. Khi chơi game, não bộ sẽ sản sinh các morphine nội sinh tạo ra cảm giác thư giãn, sảng khoái và hưng phấn. Trong khi đó, học tập và làm việc mang đến sự căng thẳng, mệt mỏi. Do đó, nhiều người muốn chìm đắm trong các trò chơi ảo để trốn tránh những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Cảm giác thèm muốn chơi game xuất hiện liên tục khiến người bệnh không thể duy trì sự tập trung khi học tập và làm việc, đồng thời gây ức chế khả năng tư duy, suy nghĩ dẫn đến tình trạng chậm tiếp thu, kết quả học tập kém và thường xuyên gặp phải sai sót trong công việc.
Khó kiểm soát cảm xúc: Giống như các rối loạn tâm thần khác, nghiện game khiến người bệnh khó kiểm soát cảm xúc của bản thân. Họ thường hưng phấn, vui vẻ và thích thú khi chơi game, đặc biệt là khi đạt được thành tích cao trong các trò chơi và nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người. Trong thế giới ảo, họ có được những thứ mà ở ngoài thế giới thực không có, do đó không ít người tìm đến game online để che giấu những tổn thương tâm lý. Khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, người nghiện game thường che giấu chúng bằng các trò chơi trực tuyến. Thay vì giải tỏa bằng cách chia sẻ với những người xung quanh, họ thường kìm nén cảm xúc và giải tỏa bằng những hành vi bạo lực trong game online. Tình trạng này khiến cho những bất ổn về cảm xúc và hành vi trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không đạt thành tích cao khi chơi game, tâm lý sẽ chuyển sang trạng thái căng thẳng, bứt rứt, cáu kỉnh, tức giận,…Những cảm xúc này thôi thúc họ tiếp xúc chơi game cho đến khi giành chiến thắng. Về lâu dài, người nghiện game online sẽ hình thành tính cách hiếu thắng, khó kiểm soát sự nóng giận và đôi khi có những hành vi bạo lực ở ngoài đời thực.
Có những hành vi lệch lạc: Nghiện game ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần và đã được chứng minh là nguyên nhân làm gia tăng các hành vi lệch lạc. Ban đầu, trẻ sẽ nói dối để có thời gian chơi game. Sau đó, có những hành vi lừa dối bố mẹ để có tiền phục vụ cho các trò chơi điện tử trực tuyến. Khi gia đình nhận thấy sự bất thường và từ chối đáp ứng yêu cầu, trẻ rất nhanh sẽ có phản ứng quá khích, nóng nảy và tức giận. Nhiều trẻ bắt đầu có những hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn như trộm cắp, lừa dối, trấn lột tiền của bạn bè… Thậm chí, nhiều người không ngần ngại có những hành vi bạo lực làm tổn thương thân thể của người khác để có tiền phục vụ cho các game online. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với các trò game bạo lực hay có nội dung lệch lạc, không phù hợp với xã hội cũng khiến trẻ vị thành niên và người trẻ bị “ám thị”. Dần dần, họ cũng sẽ có hành vi lệch lạc tương tự như bạo lực, hung hăng, ngông cuồng và đôi khi có các hành vi tình dục tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Gây ra những thay đổi bất thường trong não bộ: Trong nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, nghiện game online làm thay đổi cấu trúc và hoạt động của não bộ trên hình ảnh MRI. Nghiên cứu ngẫu nhiên được thực hiện trên 22 người khỏe mạnh từ 18 - 29 tuổi chơi các game bạo lực trong 10 giờ/ ngày cho thấy, các vùng của não như vùng vỏ khứu – hải mã não, vùng thùy trán dưới trái đều có hoạt động ít hơn so với lúc trước. Chơi game làm gia tăng các morphine nội sinh, bao gồm dopamine – chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng tạo cảm giác thư giãn và sảng khoái. Mức độ dopamine tăng gấp đôi khi mọi người chơi trò chơi điện tử, điều đó có nghĩa là các trò chơi gây nghiện cũng gây nghiện về phương diện hóa học. Có những con đường thần kinh trong não duy trì sự phụ thuộc vào các chất - có khả năng củng cố các rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm thần:
- Trầm cảm: được xác định là cả nguyên nhân tiềm ẩn và hậu quả của chứng nghiện game. Trầm cảm có thể khiến một cá nhân cảm thấy thờ ơ và vô vọng về tương lai, do đó làm giảm khả năng lao động và học tập và tăng sức hấp dẫn của các hoạt động mang lại cảm giác hài lòng ngay lập tức như chơi game trên máy tính. Các nghiên cứu cho thấy, người nghiện game online có hiện tượng sụt giảm serotonin ở khe synap – cơ chế tương tự như bệnh trầm cảm. Do đó, chứng bệnh này không được kiểm soát có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống.
- Rối loạn lo âu: Ngoài trầm cảm, người nghiện game online cũng có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu đặc trưng bởi tình trạng lo lắng thái quá, kéo dài, thậm chí nỗi lo xuất hiện một cách vô lý và không có nguyên nhân cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng tăng dopamine trong một thời gian dài làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và gia tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.
- Các rối loạn tâm thần khác: nghiện game online còn gây ra nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần như hội chứng Self-Harm (hội chứng tự làm hại bản thân), rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý, loạn thần, rối loạn hoang tưởng… Nếu xảy ra trong giai đoạn vị thành niên, bệnh lý này còn gây ra những lệch lạc và méo mó về nhân cách.
Gia tăng tệ nạn xã hội: Tiếp xúc với các game bạo lực và có nội dung lệch lạc khiến người chơi cho rằng những hành vi bạo lực, gây hấn là hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, nghiện game cũng khiến họ khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ và thường có xu hướng sống cô lập, tách biệt. Vì vậy khi phải đối mặt với khó khăn, họ sẽ phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực mà không biết cách giải tỏa lành mạnh. Do đó, người nghiện game online thường sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, gây hấn, bạo lực và quan hệ tình dục không an toàn do bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sai lệch từ game. Trong những năm gần đây, rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi có những hành vi bạo lực với người thân với mục đích chiếm đoạt tài sản nhằm phục vụ cho các trò chơi trực tuyến. Người nghiện game cũng có thể tập hợp những người có cùng sở thích để thực hiện các hành vi trấn lột, lừa đảo và trộm cắp nhằm có đủ tiền phục vụ cho nhu cầu chơi game. Về lâu dài, các hành vi vi phạm pháp luật sẽ gia tăng về số lượng và mức độ nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Lãng phí thời gian, tiền bạc: Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, nghiện game online còn gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Họ dành nhiều thời gian và không thể tránh khỏi cám dỗ từ các trò chơi online. Người nghiện game cũng không dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Do đó, họ sẽ đánh mất các mối quan hệ và mất dần những kỹ năng xã hội cần thiết. Đối với trẻ vị thành niên, trẻ sẽ lừa dối gia đình hoặc trấn lột tài sản của bạn bè để phục vụ cho các trò chơi online. Họ thường dồn hết tiền bạc để mua sắm các thiết bị và vật phẩm. Nhiều người không ngần ngại bán xe cộ và những vật có giá trị chỉ để thỏa mãn thú vui của bản thân. Các hành vi liều lĩnh này sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với chính bản thân người bệnh và gia đình.
Ảnh hưởng đến cuộc sống trong tương lai: Nghiện game gây ra những ảnh hưởng tương tự như nghiện ma túy. Tuy nhiên, các chất gây nghiện thường bị pháp luật cấm và không thể lưu hành một cách rộng rãi. Trong khi đó, các thiết bị điện tử là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại nên khả năng tái nghiện game là rất cao.
Biểu hiện của tình trạng nghiện game
Nghiện game là bệnh. WHO đã phân loại một số người chơi game quá mức là đối tượng bệnh có vấn đề tâm thần. Đó là những người ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác trong cuộc sống và đã kéo dài tình trạng này trên 12 tháng, theo tiêu chí sau:[4]
- Mất kiểm soát đối với việc chơi game (ví dụ quyết định có chơi hay không, hoàn cảnh chơi, tần suất, cường độ, thời gian chơi và khi nào thì dừng lại...).
- Tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game: trò chơi điện tử được ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác và hoạt động thường ngày.
- Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực.
* Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy [1]
Bệnh nhân sẽ có từ 2 triệu chứng sau trở lên:
- Thèm chơi game: Người nghiện tỏ ra quan tâm quá mức tới game online khi phải xa máy tính, smart phone. Họ luôn thèm muốn được chơi luôn nói về game, mất tập trung, hay cáu gắt hoặc mất các hứng thú khác.
- Chơi game liên tục không nghỉ: Người nghiện chơi game liên tục, không nghỉ trong nhiều giờ. Họ tiêu tốn rất nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính để chơi game. Họ có thể bào chữa về việc vào mạng là để làm việc, tìm thông tin, đọc thư điện tử, có thể nói dối để được chơi game.
- Không kiểm soát được việc chơi game: Người nghiện không có khả năng kiểm soát được thời gian chơi game trên máy tính. Họ dự định chơi trong 15-20 phút, nhưng họ không thể ngừng lại như dự kiến mà chơi game liên tục trong nhiều giờ.
- Mất thời gian vì chơi game: Người nghiện tốn rất nhiều thời gian cho chơi game. Họ thường chơi nhiều giờ mỗi ngày, thậm chí chơi thâu đêm.
- Bỏ bê các công việc khác: Do tốn quá nhiều thời gian đến chơi game, người nghiện không quan tâm đến các công việc khác, bỏ mặc các mối quan hệ bạn bè và gia đình, những người rất thân thiết với họ trước đây. Người nghiện game không học bài, không làm bài tập, không hoàn thành công việc ở cơ quan và ở nhà. Các trường hợp nặng, họ sẽ bỏ qua cả việc vệ sinh cá nhân và không chịu tắm rửa.
- Che dấu các cảm giác và tình huống khó chịu: Khi có các cảm giác và tình huống khó chịu, họ chơi game để che dấu các cảm giác và tình huống khó chịu này. Người nghiện game dùng thế giới ảo để chạy trốn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thực. Họ tự dùng thuốc để tránh cảm giác khó chịu chứ không báo cho gia đình biết và không chịu đi chữa bệnh.
- Nói dối về thời gian chơi game: Khi bị hỏi về thời gian chơi game, họ sẽ che dấu sự thật bằng cách nối dối. Khi game thủ từ chối nói thật về thời gian chơi game, chứng tỏ có điều gì bất ổn. Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân dễ dàng nhận thấy người nghiện game nói dối.
- Sử dụng sai về tiền bạc: Người nghiện game online thường tiêu tốn nhiều tiền để mua máy tính, màn hình, bàn phím, loa, chuột. Họ luôn tìm cách nâng cấp phần mền, phần cứng, đường truyền để thỏa mãn ham muốn chơi game của mình. Họ có thể tiêu nhiều tiền để chơi game ở các điểm chơi game công cộng.
- Cảm xúc không ổn định: Cũng như nghiện ma túy, người nghiện game online có trạng thái phấn khích khi chơi game. Nhưng trạng thái này nhanh chóng chuyển thành thất vọng. Trạng thái thất vọng này có thể chỉ tồn tại trong lúc chơi game, nhưng cũng có thể tồn tại bền vững cả ngày.
*Nhóm triệu chứng trầm cảm [1]
- Khí sắc trầm cảm: Đây là triệu chứng mà gần như tất cả người nghiện đều có. Những người nghiện ban đâu có khí sắc tăng, nghĩa là họ rất dễ nổi cáu vô cớ trong vài phút đến vài chục phút, sau đó lại trở về tình trạng khí sắc giảm với nét mặt đơn điệu, ngơ ngác, buồn bã và tình trạng này bền vững trong cả ngày.
- Mất hứng thú và sở thích: Người nghiện game mất hầu hết các hứng thú và sở thích vốn có. Họ chỉ còn thích chơi game mà thôi và hầu như không còn hào hứng gì với âm nhạc, thể thao, hội họa, phim, ảnh, mua sắm, đi dã ngoại. Những người nghiện hầu như không còn quan tâm gì đến bài vở, nhiều người đã trốn học để đi chơi game hoặc vào mạng xã hội.
- Mất ngủ: Người nghiện luôn trong tình trạng mất ngủ, người nghiện ngủ rất ít. Họ thường chơi game rất khuya, có thể đến 1-2 giờ sáng. Nhiều trường hợp người nghiện chơi thâu đêm.
- Chán ăn, ăn ít: Do mất hết các ham muốn và sở thích, người nghiện cũng không quan tâm gì đến bữa ăn. Họ ăn cho có lệ, không có cảm giác ngon miệng, ăn ít hơn bình thường. Người nghiện có thể ăn chỉ để có năng lượng để tiếp tục chơi game. Do vậy họ thường gầy và sút cân rõ rệt.
- Rối loạn tâm thần vận động: Hầu hết người nghiện đều hoạt động chậm chạp, lờ đờ. Họ suy nghĩ một cách khó khăn, chạm chạp, tăng khoảng nghĩ trước khi trả lời. Nhưng khi không được chơi game, họ đi lại liên tục và có thể trở nên kích động.
- Giảm sút năng lượng: Năng lượng giảm sút, mệt mỏi và kiệt sức là triệu chứng hay gặp sau khi chơi game hoặc vào mạng xã hội, nhất là ở những người chơi thâu đêm. Họ hầu như không còn sức lực để làm bất cứ một việc gì, kể cả vệ sinh cá nhân.
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: Khi ngừng chơi game người nghiện có thể nhận ra rằng mình là một kẻ vô dụng vì không làm được việc gì ngoài chơi game. Họ cũng nhận thấy việc nghiện game là tội lỗi, nhưng ý nghĩ đó không đủ mạnh để buộc họ ngừng chơi game. Trái lại, người nghiện lại tiếp tục chơi game để chạy trốn các vấn đề của cuộc sống thực tại. Khi tình trạng nghiện game đã trở lên trầm trọng (chơi game ngày trên 5 giờ), cảm giác vô dụng và tội lỗi biến mất. Người nghiện game mất hoàn toàn khả năng phê phán về tình trạng chơi game của mình.
- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định: Do mọi suy nghĩ của người nghiện chỉ tập trung vào các trò chơi trên máy tính, họ khó có thể tập trung suy nghĩ và chú ý vào các vấn đề khác. Do vậy khả năng làm việc và học tập sút kém nên họ không đủ tri thức và không đủ tự tin để ra quyết định. Biểu hiện này rất rõ khi họ làm bài kiểm tra tại trường hoặc bị kiểm tra công việc ở cơ quan. Thái độ lúng túng hiện rõ trên nét mặt và hành vi.
- Ý nghĩ muốn chết và hành vi tự sát: Do không đạt kết quả như mong muốn khi chơi game, do xa lánh các vấn đề thực của cuộc sống, do bị gia đình và bạn bè chê trách, nhiều người nghiện game tỏ ra bi quan, chán nản. Lúc đầu họ nghĩ về cái chết chỉ trong vòng một vài phút rồi hết. Về sau, họ luôn nghĩ đến cái chết, coi đó là một giải pháp tốt để giải quyết các vấn đề cá nhân. Người nghiện game có thể chuẩn bị các thứ cần thiết cho tự sát. Nếu sau khi tự sát mà không chết, người nghiện game có thể lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần.
Nên làm gì nếu trẻ có dấu hiệu nghiện game?
Cha mẹ thường lo lắng rằng tất cả các game đều xấu và có ảnh hưởng không tốt. Tuy nhiên, điều này không chính xác trong mọi trường hợp. Chơi game có thể có nhiều ích lợi, nó có thể tăng cường sự phối hợp tay - mắt, kĩ năng giải quyết vấn đề và giúp mọi người kết nối với nhau. Thậm chí có những game được xây dựng với mục đích hỗ trợ cho một số tình trạng sức khỏe.
Nghiện game không khó để phòng tránh, nhưng khi trẻ đã nghiện thì rất khó để giáo dục tâm lý và hành vi. Nếu không được can thiệp kịp thời, nghiện game online sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Chính vì vậy, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào game online.
Trao đổi với trẻ về hậu quả của nghiện game: Trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường nhạy cảm. Do đó, cha mẹ cần khéo léo trong việc lựa chọn thời điểm cũng như lời nói để con lắng nghe, thấu hiểu và tránh phản ứng chống đối. Khi giải thích, cha mẹ cần kết hợp giữa tác hại và lợi ích của việc chơi game. Không nên quá cấm cản trẻ, vì thông thường càng cấm trẻ lại càng muốn khám phá thêm, khao khát chơi game hơn. Do đó, điều quan trọng nhất là giúp trẻ hiểu được những tác hại của nghiện game, đồng thời giúp trẻ điều chỉnh hành vi ngay từ khi trẻ có dấu hiệu ham chơi game.
Dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ: Trong cuộc sống hiện đại, nhiều bậc phụ huynh đôi khi quá bận rộn mà không nhận ra rằng chính sự thiếu quan tâm dành cho trẻ đã khiến trẻ dành thời gian vào game, hoặc khi trẻ đã có dấu hiệu nghiện game rồi mà không hề hay được giúp đỡ. Do vậy khi dành nhiều thời gian ở bên cạnh con, cha mẹ có thể kiểm soát thời gian chơi game và hiểu hơn về tâm lý và mong muốn của trẻ. Qua đó giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, cũng như học hỏi từ những thói quen tốt của người lớn.
Tham gia vào các hoạt động thể chất: Cha mẹ nên cùng con tham gia các trò chơi ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ…
Cho con giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà: Cha mẹ có thể đề nghị con phụ giúp các công việc đơn giản như chăm sóc cây cối, thú nuôi hoặc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa… Khi con hoàn thành tốt, nên khen ngợi và có thể thưởng cho con những phần quà nhỏ. Điều này sẽ khích lệ trẻ duy trì các hành vi tích cực và quên dần đi cảm giác hứng thú, phấn khích khi chơi game online.
Khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu: Ngoài việc học ở trường, cha mẹ cũng cần khuyến khích con phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển năng khiếu của bản thân và có khoảng thời gian giải trí, vui chơi lành mạnh thay vì chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến.
Ngoài ra, cha mẹ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm để đánh giá cũng như cải thiện tình trạng của trẻ. Phụ huynh cũng nên theo dõi thường xuyên các thay đổi hành vi của trẻ và đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để tư vấn và thăm khám ngay nếu thấy các biểu hiện bất thường, để người bệnh được thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Qua đó, có thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và rút ngắn thời gian điều trị, giúp người bệnh nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.