Cơn động kinh cần được chẩn đoán phân biệt với rất nhiều rối loạn khác, chủ yếu dựa vào tiền sử, còn lời kể lại của những người chứng kiến cơn động kinh cũng không phải là quan trọng lắm.
Co giật phân ly (cơn hysterie)
Thường xảy ra trước đông người, cơn kéo dài, hai mí mắt nhắm nhưng nhấp nháy, không hôn mê, sắc mặt không thay đổi, không cắn phải lưỡi, không tiểu dầm, cơn giật hổn độn không thành nhịp. Khám thần kinh bình thường. Một kích thích đột ngột mạnh làm hết cơn. Sau cơn nhớ những gì đã xảy ra. Ðiện não bình thường. Có thể có hysterie - động kinh.
Hạ glucose máu
Ðói bụng, cồn cào, toát mồ hội, co giật, hôn mê. Glucose máu hạ, tỉnh nhanh khi tiêm glucose ưu trương tĩnh mạch.
Thiểu năng tuần hoàn não
Tai biến mạch máu não tạm thời, đột ngột, nói khó, rối loạn cảm giác, yếu nửa người, cơn kéo dài hơn động kinh, bệnh nhân thường tỉnh táo.
Cơn ngất (syncopa):
Bệnh nhân mất ý thức ngắn, không có triệu chứng thần kinh, xảy ra do căn nguyên về tim mạch, cụ thể có thể gặp:
+ Ngất do rối loạn nhịp tim: nhịp tim đập quá chậm (< 15 lần/phút) hoặc ngừng tim hoàn toàn trong 1 – 2 phút, phân ly nhĩ thất hoàn toàn.
+ Ngất do kích thích xoang động mạch cảnh hoặc dây phế vị.
+ Ngất do giảm huyết áp tư thế đứng.
+ Có thể gặp ngất do: biểu hiện ho + mất ý thức trong 1 – 2 phút.
Cơ chế bệnh sinh: do rối loạn tuần hoàn ở phổi dẫn đến thiếu oxy ở não thường xảy ra ở bệnh nhân viêm phế quản mạn tính.
Co giật hạ canxi máu (tetanie):
Hay gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Biểu hiện là co cơ cục bộ hoặc toàn bộ, đặc biệt là co cứng các cơ ở bàn tay tạo tư thế bàn tay sản khoa, có dấu hiệu Chvostek và nghiệm pháp gây co thắt cơ ở bàn tay khi garo tay khoảng 10 – 15 phút. Xét nghiệm máu thấy canxi máu giảm.
EEG không có sóng động kinh điển hình.
Co giật do sốt cao ở trẻ em:
Co giật do sốt cao là bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường xảy ra từ 3 tháng đến 5 tuổi, liên quan với sốt cao và không có bằng chứng của nhiễm trùng nội sọ hoặc một nguyên nhân được xác định. Các cơn co giật kèm theo sốt xảy ra ở trẻ đã có cơn co giật không do sốt cao có từ trước thì không được gọi là co giật do sốt cao.
Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng về nguyên nhân của co giật do sốt cao, ở các gia đình có người bị sốt cao co giật thì nguy cơ gây sốt cao co giật ở trẻ tăng từ 2 - 3 lần. Bố hoặc mẹ bị bệnh làm tăng nguy cơ co giật do sốt cao ở các con, nếu cả bố lẫn mẹ bị thì nguy cơ còn cao hơn nhiều.
Biểu hiện lâm sàng: co giật do sốt cao có xu hướng xảy ra sớm trong khi đang bị sốt đột ngột nhiệt độ tăng lên quá cao. Cơn co giật hầu hết là cơn toàn bộ, chỉ 15% là cơn cục bộ. Khoảng 80% là co giật, 14% là cơn trương lực và 6% là cơn mất trương lực.
Các đặc điểm sau đây của co giật do sốt cao có liên quan đến tăng nguy cơ gây động kinh là:
+ Cơn kéo dài quá 15 – 30 phút.
+ Nhiều cơn trong vòng 24 giờ.
+ Cơn co giật cục bộ hoặc có liệt kiểu Todd.
Co giật do sốt cao với bất kỳ đặc điểm nào nêu trên được gọi là co giật do sốt cao phức tạp, còn nếu không có một trong ba đặc điểm nêu trên thì gọi là co giật do sốt cao đơn giản.
Chăm sóc và điều trị: hầu hết cơn co giật cũng hết dần theo thời gian, mà chưa cần xử trí gì. Nếu tiếp tục còn cơn thì cần thông thoáng đường hô hấp, cung cấp oxy và tiêm tĩnh mạch Diazepam với liều 0,3mg/kg. Nếu tiêm đường tĩnh mạch mà khó khăn thì cách tốt nhất là cho bằng đường hậu môn với liều 0,5mg/kg.
Trẻ bị co giật do sốt cao thường không cần thiết phải nằm viện. Tuy nhiên có thể theo dõi tại phòng cấp cứu vài giờ sau đó khám lại, nếu thấy ổn định và nguyên nhân gây sốt đã rõ thì có thể cho về nhà. Nếu thấy một trong các biểu hiện sau đây thì phải vào nằm viện như:
+ Nghi ngờ có bệnh nặng đang xảy ra nhe viêm não.
+ Co giật do sốt cao phức tạp.
+ Tuổi < 18 tháng.
+ Chưa được khám xét ban đầu.
+ Hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện theo dõi.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.