Sau hơn 3 tháng phát động cuộc thi “Tôi tự hào là người điều dưỡng” đã có 48 tác phẩm đến từ các đơn vị y tế trên toàn tỉnh tham gia dự thi. Đây là cuộc thi nằm trong chuỗi chương trình hoạt động chào mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990 - 26/10/2020).Tham gia dự thi là những người điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên đã, đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế trên toàn tỉnh.
Các tác phẩm đa màu sắc, nhưng đều thể hiện lòng yêu nghề, tự hào với nghề nghiệp qua những dòng chia sẻ: “Tôi thực sự tự hào vì nghề điều dưỡng tuy thầm lặng nhưng cũng vô cùng cao quý vì đã giúp đỡ được nhiều người bệnh”; “Tôi thầm tự hào và hạnh phúc khi khoác lên mình chiếc áo Blouse của nghề Điều dưỡng”; “Điều mà tôi muốn nói nữa là nếu được chọn lựa lại lần nữa, tôi vẫn chọn nghề Điều dưỡng”; “Tôi tự hào khi mình là một kỹ thuật viên Phục hồi chức năng”…
Thể hiện tình yêu thương, sự trăn trở của người cán bộ y tế trước nỗi đau đớn về thể chất và tinh thần của người bệnh: “Bệnh nhân tôi thương lắm! Có những em bé đáng yêu đến tuổi chập chững nhưng lại chẳng chịu bước đi, có những thiên thần nhỏ bé đến tuổi bập bẹ mà lại chẳng chịu cất lời gọi mẹ, gọi cha, gọi ông bà. Nhưng sao các con vẫn tươi cười hồn nhiên thế? Các con có biết rằng các con rất thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, rằng khiếm khuyết mà các con đang mắc phải nó trầm trọng đến nhường nào? Nhìn những nụ cười ngây thơ ấy, lòng tôi thắt lại” (Trích tác phẩm “Bệnh nhân của tôi”, tác giả Nguyễn Thị Nga, Bệnh viện Phục hồi chức năng).
Hay sự động viên, chia sẻ như những người bạn, giúp người bệnh giải tỏa áp lực, tiếp tục cuộc sống: “Tôi còn nhớ mãi có một bệnh nhân nữ trạc tuổi tôi, do bế tắc trong cuộc sống gia đình nên uống thuốc trừ sâu để tìm đến cái chết, được phát hiện đưa vào viện. Bằng những nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, bệnh nhân đã được cứu sống. Tuy nhiên khi tỉnh lại, chị lại tuyệt thực, chống đối…Tôi đã gần gũi bên cạnh chăm sóc, an ủi, động viên cùng chị tâm sự, giúp chị tháo gỡ vướng mắc tâm tư như hai người bạn, để giúp chị vượt lên hoàn cảnh sống tiếp, vững vàng hơn.Việc tôi làm cũng như bao nữ điều dưỡng sẽ làm nhưng trên hết là tình cảm người với người, là hy sinh thầm lặng đem lại hạnh phúc, nụ cười cho bao gia đình người bệnh, điều này mới thật sự ý nghĩa.” (Trích tác phẩm: Tình em điều dưỡng, tác giả: Nguyễn Thị Quỳnh, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà).
Nhiều tác phẩm chia sẻ những khó khăn vất vả khi bước vào nghề, nhưng dẫu có biết bao vất vả trong công việc điều dưỡng, cuối cùng vẫn nhận lại nhiều niềm vui, đó là sự thấu hiểu, cảm thông, yêu mến của người bệnh: “…Một hôm, khi tôi đang xoa bóp cho bệnh nhân, cháu hỏi tôi: “Dì ơi!chắc dì phải yêu nghề, thương người lắm dì mới làm được như vậy nhỉ?”. Câu hỏi bất chợt của cô bé làm tôi và đồng nghiệp rất vui. Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi gặp lại cô bé ấy trong chiếc áo truyền thống của nghề y về thực tập tại bệnh viện, qua câu chuyện tôi mới nhớ ra đó là bệnh nhân năm xưa. Cháu chia sẻ: “Cháu chứng kiến những việc dì làm với bệnh nhân, được cảm nhận sự chăm sóc của dì, được nghe nhiều bệnh nhân trò chuyện về dì và các đồng nghiệp với sự tin yêu, kính phục nên cháu theo học nghề Điều dưỡng luôn”. Giờ đây, em ấy đã là đồng nghiệp với tôi, một điều dưỡng viên còn trẻ, đầy nhiệt huyết và hơn hết, rất có tâm, được bệnh nhân quý mến. Nhìn em, tôi như thấy hình ảnh của mình năm xưa…” (Trích đoạn trong tác phẩm dự thi“Tôi đã sống với nghề điều dưỡng như thế”, tác giả Hoàng Thúy Anh, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên).
Hay đến với nghề điều dưỡng như một cái duyên, dẫu có nhiều thăng, trầm trong nghề nhưng đã dệt nên những mối tình lãng mãn, nên thơ và thành duyên vợ, chồng giữa cán bộ y tế với bệnh nhân. “… Vào một đêm trực lạnh giá của tháng giêng, khi mọi người đang ngon giấc thì chúng tôi tiếp nhận một ca bệnh viêm ruột thừa phải mổ cấp cứu. Tiếp nhận bệnh nhân xong, làm thủ tục và chuyển sang mổ cấp cứu, ca mổ thành công, sau vài giờ bệnh nhân được chuyển sang phòng chăm sóc sau mổ. Rồi thời gian qua đi, vào dịp ngày Quốc tế phụ nữ 08/3, tôi nhận được một bó hoa hồng và lời chúc “Chúc em ngày Quốc tế phụ nữ vui vẻ”, lời chúc đơn giản mà làm tôi rung động. Đối với những cô gái khác thì bó hoa đó có thể là đơn giản là bình thường nhưng đối với tôi là thứ quý giá và đẹp nhất mà lần đầu tiên tôi được nhận. Kể từ đó tình yêu của tôi bắt đầu. Ai đó yêu nhau bắt đầu từ mai mối, từ bạn bè, từ quen biết … Tình yêu tôi bắt đầu như vậy. Anh chính là bệnh nhân mổ ruột thừa đêm hôm đó. Anh nhìn tôi bằng đôi mắt và cảm nhận tôi bằng đôi bàn tay. Vì tôi là cô điều dưỡng mà anh nhìn thấy khi tỉnh lại sau ca mổ…”. Tâm sự của tác giả Nguyễn Thị Tình, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, qua tác phẩm dự thi “Duyên tôi với nghề điều dưỡng”.
Nếu bác sĩ là người điều trị cho bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân khỏe mạnh, thì điều dưỡng là người có vai trò quan trọng giúp xoa dịu nỗi đau, làm cho trái tim bệnh nhân ấm áp thông qua quá trình chăm sóc của mình để quá trình điều trị bệnh nhân được hiệu quả, an toàn nhất.“…Đứng chăm sóc bé này thì tai, mắt và linh cảm nghề nghiệp vẫn phải trông chừng những bé khác vì trẻ sơ sinh có thể bị ngưng thở hoặc sặc sữa bất kì lúc nào. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không biết nói, là người điều dưỡng chăm sóc các bé hằng ngày, nên chúng tôi phải nắm rõ tình trạng sức khỏe của các bé một cách tỉ mỉ báo cáo với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp. Mỗi bệnh nhi đến với khoa tôi có mỗi đặc thù bệnh tình riêng, khóc thế nào? ho ra sao? dấu hiệu co giật hay tím tái...hầu như người điều dưỡng như tôi mỗi ca làm, mỗi đêm trực đều phải để ý…”, tác giả Trần Lệ Xuân, Khoa Nhi, Bệnh viện ĐK tỉnh trải lòng trong tác phẩm “Điều dưỡng nhi khoa – Như bàn tay mẹ”.
Một số tác phẩm đã diễn tả công việc lặng thầm ít người biết đến, đó là những kỹ thuật viên xét nghiệm, chính họ đã nối dài thêm cánh tay và đôi mắt của người bác sỹ để tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phác đồ điều trị đúng, giúp rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế sự đau đớn cho người bệnh.“…Trong giai đoạn cả nước chung tay phòng chống đại dịch Covid -19, chúng tôi những người kỹ thuật viên xét nghiệm phải lăn lộn trong các phòng làm việc cách ly đặc biệt với trang bị phòng hộ PPE từ đầu đến chân, làm việc trong các phòng xét nghiệm sàng lọc Covid - 19 bằng công nghệ PCR mỗi ca từ 6 - 7 giờ liên tục phải luôn tập trung cao độ, không vệ sinh, không ăn uống, sau đó được nghỉ thì cũng là cách ly tại chỗ để lại sức cho ca làm việc tiếp theo…”. Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Tính, Khoa Hóa sinh, Bệnh viện ĐK tỉnh trải lòng qua tác phẩm dự thi “Tự hào với công việc thầm lặng là kỹ thuật viên xét nghiệm”.
Qua những tác phẩm dự thi đã khơi dậy lòng tự hào nghề nghiệp, ý chí quyết tâm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành y tế và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.