Chiều 9/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan. Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh có Bác sĩ Bùi Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cùng đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, lãnh đạo các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, TTYT huyện, thị xã, thành phố.
Thạc sỹ Bùi Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì điểm cầu Sở Y tế Hà Tĩnh |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ngày 9/1/ 2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được thông qua, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, trong đó có một số nội dung mới trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo đó, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023, quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh, gồm 9 chương, 148 điều có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 với một số nội dung quan trọng đã được quy định chi tiết. Bao gồm một số quy định mới trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hành nghề; hướng dẫn thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề trong khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia trong kiểm tra đánh giá năng lực người hành nghề.
Để triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các sở y tế nghiên cứu kỹ và khẩn trương triển khai các quy định chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động y tế tư nhân, khẩn trương lên kế hoạch triển khai xếp cấp chuyên môn kỹ thuật để thực hiện xong trước ngày 1/1/2025.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 được xây dựng trên quan điểm là thể chế hóa kịp thời tinh thần của Luật Khám bệnh, chữa bệnh với các chủ trương chính của Đảng và Nhà nước. Đó là tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển. Nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động trong cung cấp dịch vụ khám bệnh chữa bệnh.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh đã có thay đổi, trong đó rút ngắn thời gian thực hành đối với bác sĩ từ 18 tháng xuống còn 12 tháng, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y rút ngắn thời gian thực hành từ 9-12 tháng xuống còn 6-9 tháng, quy định cụ thể nội dung thực hành, bỏ phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, thay thế lý lịch cá nhân bằng sơ yếu lý lịch tự thuật... Đây là những điểm mới trong Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Với ba chức danh hành nghề mới bao gồm dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng đã được quy định cụ thể về thực hành, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp phép hành nghề đã được quy định cụ thể để thực hiện cấp giấy phép hành nghề từ 1/1/2024, tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề từ 1/1/2029 theo lộ trình của Luật. Trong giai đoạn từ khi Luật có hiệu lực đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, đối tượng thuộc diện cấp giấy phép hành nghề sẽ được cấp phép mà không phải qua kiểm tra đánh giá năng lực.
Nghị định cũng quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, theo quy định của Luật, chỉ có 2 loại kỹ thuật mới, phương pháp mới, đó là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam hoặc lần đầu tiên áp dụng trên thế giới. Như vậy, theo quy định của Luật và Nghị định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật lần đầu tiên tại cơ sở đó nếu không thuộc nhóm kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng trên thế giới hay tại Việt Nam thì chỉ áp dụng thủ tục bổ sung danh mục kỹ thuật hoặc áp dụng quy định về chuyển giao kỹ thuật, các quy trình đã được đơn giản hoá so với quy định trước đây.
Đoàn Loan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.